Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Google Plus

Google Plus


Google+ là một sản phẩm đầy uy quyền và tham vọng nhưng những điều này là chưa đủ. Có những yếu tố về hiệu ứng thương hiệu trong cuộc chơi này nhưng để đạt được thành công, Google+ không được nhỉnh hơn mà phải thật sự tốt hơn.
Sau đây là nhận định của Rakesh Agrawal về “làn gió mới” Google+.
Rakesh Agrawal là một nhà chiến lược về sản phẩm và tiếp thị. Ông đã dành 15 năm làm việc trong lĩnh vực Web và truyền thông di động. Các lĩnh vực chuyên môn của ông bao gồm tìm kiếm, mạng xã hội, lập bản đồ, thanh toán và các công nghệ không dây. Ông đã sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm cho Tellme- công ty con của Microsoft, AOL Search, washingtonpost.com và newsweek.com. Trong thế giới của những start-ups (các công ty mới khởi nghiệp), ông làm việc tại công ty công nghệ uReach. Ông đã tạo ra một trong những tờ báo đại học trực tuyến đầu tiên vào năm 1993, tờ Daily Northwestern. Năm 1995, ông đưa ra một trong những tờ báo trực tuyến thương mại đầu tiên, startribune.com.
Rocky có 6 phát minh về công nghệ tìm kiếm và mạng xã hội đang chờ được cấp bằng sáng chế.
Tôi thích sáng tạo. Bạn có thể tìm thấy nội dung mà tôi tạo ra trên các blog riêng của tôi, TechCrunch,FacebookTwitter, Flickr, Quora, EveryTrail, Namesake, Yelp, foursquare, YouTube, disqus, Kindle, FlyerTalk, và bây giờ là Google+. Tôi tạo ra những bài viết nhiều hơn đại đa số những người sử dụng Internet.
Tôi thường chủ động suy nghĩ về việc làm thế nào tạo ra những nội dung hay và tìm kiếm khán giả phù hợp cho nó. Khi tôi đi bộ đường dài, tôi chụp ảnh con đường, những cái dĩa, và những thứ khác mà có vẻ ngoài tưởng như nhàm chán. Tôi cũng mang theo thiết bị định vị GPS để có thể gắn thẻ địa lý chính xác cho từng hình ảnh (geotag). Tôi làm điều này vì nó có giá trị cho những người sử dụng EveryTrail trong việc xác định làm thế nào để băng qua đường mòn. Khi tôi tải những hình ảnh này lên Facebook, các thẻ định vị này lại không được hiển thị.
Với mức độ kiểm soát mà Google+ cho phép, đáng nhẽ tôi phải vui mừng với công cụ mới tuyệt vời này. Nhưng không.
Nó giải quyết sai vấn đề, đặc biệt với Google Circles, tính năng của Google+ cho phép bạn chia sẻ những điều khác nhau với những nhóm người khác nhau. Có thể nói Google+ đã không làm bất cứ điều gì để giải quyết vấn đề lớn nhất của các mạng xã hội ngày nay: thông tin gây nhiễu đang vùi lấp những thông tin chính.
Tiếp cận đúng đối tượng
Google đã hoàn toàn đúng khi nói rằng có nhiều vòng quan hệ xã hội (circles) trong cuộc sống mỗi con người. Quả thật, cuộc sống của tôi cũng có nhiều vòng như vậy. Cách mà tôi giải quyết vấn đề này cho đến nay là sử dụng các mạng xã hội khác nhau cho những mối quan hệ khác nhau (social circles). Tôi rất cẩn thận trong việc sắp xếp các mối quan hệ vào các nhóm khác nhau. Ví dụ:
*Facebook. Thông thường tôi phải gặp bạn ngoài đời và sau đó mới xem xét đưa bạn trở thành một người bạn theo nghĩa rộng. Điều này bao gồm cả bạn bề ngẫu nhiên, đồng nghiệp trong quá khứ và hiện tại, bạn cùng lớp, bạn bè của bạn. Tôi không chấp nhận yêu cầu kết bạn từ người lạ hoặc những người tôi chỉ gặp một lần tại một hội nghị nào đó.
*Twitter. Rõ ràng là ai cũng được chào đón để theo (follow) tôi. Tôi sẽ theo (follow) những người tham gia vào những chủ đề mà tôi quan tâm.
*Foursquare. Tôi giới hạn Foursquare cho những người bạn mà tôi đã gặp và thích dành nhiều thời gian cho họ. Trong số những bạn bè của tôi trên Facebook, những người mà cũng có tài khoản Foursquare, tôi chỉ kết bạn với một nửa trong số họ trên Foursquare.
*LinkedIn. Tất cả đều liên quan đến tìm kiếm một công việc, phát triển kinh doanh và tuyển dụng. Tôi chấp nhận yêu cầu kết bạn trên LinkedIn từ những người tôi đã làm việc cùng, đối tác công ty, những người tôi gặp tại các hội nghị…
Sự tách biệt này giúp tôi có thể đảm bảo rằng nội dung chỉ được chia sẻ với những đối tượng thích hợp. Tôi không phải lo lắng về việc bảo mật thông tin. Tôi cũng không phải lo lắng về việc bắt những người bạn tôi đọc những nội dung không phù hợp với họ. Ví dụ, hầu hết các nội dung trên Groupon không được tôi đăng trên facebook bởi vì những người bạn- không- qua -Internet của tôi hầu như không hề quan tâm đến chúng. Tôi biết rằng nếu tôi đăng thông tin nào đó trên Twitter, nó sẽ được chia sẻ với cả thế giới.
Tôi có thể phân loại nội dung trên Google+. Đối với mỗi bài viết, tôi có thể chọn chia sẻ chúng với nhóm bạn “Kinh doanh” ( “Business”), “những người nổi tiếng trên Internet” ( “Internet famous”) và loại trừ nhóm “Bạn bè cá nhân” ( “Personal friends” ). Nhưng việc này đòi hỏi suy nghĩ nhiều hơn so với việc đăng tải thông tin kinh doanh lên Twitter và những thông tin cá nhân lên Facebook.
Khi mọi người so sánh Circles của Google với Facebook, họ thường nghĩ tới lists (mà hầu như không ai sử dụng.) Nhưng Google lại quên mất networks, công cụ quan trọng nhất để phân loại nhóm người sử dụng. Trường học và công việc là hai nhóm lớn nhất. Nếu tôi muốn chia sẻ thông tin nào đó chỉ với mạng Northwestern trên Facebook, đó là một nhóm bạn. Rất tiện lợi là tôi không cần phải xếp từng người trong mạng này vào một nhóm nữa.
Đối với những người quan tâm đến phân khúc mà Google + cung cấp, Google đã sử dụng networks để làm điều đó.
Mạng lưới chuyên ngành như EveryTrail cung cấp công cụ thú vị cho việc hiển thị dữ liệu. Tôi yêu sự hiển thị trực quan này của chuyến đi của tôi từ Portland đến Juneau. May mắn là Google + đã không loại trừ công cụ hữu ích như thế này.
Các platforms như là Quora, Namesake hay disqus cho phép tôi tiếp cận lượng khán giả rộng lớn hơn. Google+ thì không tổng hợp khán giả cho tôi xung quanh các chủ đề khác nhau.
google plus Google+ và sự va chạm của những vòng tròn
Như một người sáng tạo ra nội dung, phần thưởng lớn đối với tôi là sự tương tác với những người tiêu thụ nội dung mà tôi tạo ra. Tôi đã viết về Google+ trên Twitter và Techcrunch nhiều hơn trên Google+ bởi mọi người vẫn đang sử dụng những platforms này. Từ giờ cho đến khi tôi có một lượng khán giả trên Google+, không có lý do gì để bây giờ tôi không sử dụng những mạng xã hội có từ trước. (Đặc biệt là bởi những người đã theo (follow) tôi từ các kênh khác sẽ phải thấy những nội dung trùng lặp). Nhưng nếu tôi không đăng bài trên Google+, tôi không thể dần dần xây dựng lượng khán giả cho mình.
Sự va chạm của những thế giới
Thế giới vật chất có những môi trường khác nhau. Chúng ta đi chơi với bạn bè tại những quán bar và nhà hàng. Chúng ta nghe những người quan trọng nói trong các giảng đường hoặc thính phòng. Sự phân biệt như thế này cũng có cả ở thế giới trực tuyến. Facebook có thể được coi như là một quán bar hay nhà hàng ngay cạnh nhà. Nó được xây dựng dựa trên các mối quan hệ qua lại hay đối ứng (reciprocal relationships). Twitter như là một giảng đường. Nó chỉ tập trung vào các mối quan hệ bất đối xứng (asymmetric relationships). Twitter thậm chí đã thừa nhận rằng nó hoàn toàn đống ý nếu mọi người coi nó như một phương tiện xuất bản chứ không phải một phương tiện truyền thông.
Vì vậy mà có vẻ như sự hỗn độn sẽ xảy ra khi mà mọi vai trò khác nhau đều quy tụ vào một Google+. Tôi sẽ thấy thông báo về kế hoạch đi du lịch của người bạn Wanita của tôi bên cạnh những hình ảnh từ cuộc phiêu lưu lướt ván diều tại Alaska của Larry Page. Nếu tôi bình luận về kế hoạch du lịch của Nita, tôi tin tưởng rằng tôi sẽ nhận được phản hồi nào đó. Nhưng điều này gần như là không thể khi tôi bình luận về chuyến đi của Larry. (Với những người không biết về điều này, tôi và Larry cũng đã cùng học một lớp ở trường trung học- chúng tôi đã thường tranh luận về Amiga so với Mac và về Googol.) Tôi không thể nghĩ ra một thế giới thực tương đương nơi mà bạn có những mối quan hệ chênh lệch như thế này.
Ai cũng hiểu tầm quan trọng của việc giữ những thế giới khác nhau biệt lập với nhau.
Tìm kiếm, không phân loại
Google đã dạy chúng ta lười biếng.
Trước khi trình duyệt tìm kiếm trở nên phổ biến, tôi thường tự duy trì một danh sách các bookmarks. Các bookmarks đều được phân loại cẩn thận và tôi đã dành rất nhiều thời gian để làm việc này. Những từ khóa được truy cập nhiều nhất trên bất kỳ công cụ tìm kiếm nào là những thuật ngữ như “ebay”, “amazon” và “facebook” bởi vì mọi người đã dựa vào các công cụ tìm kiếm để làm mọi việc. Bạn thậm chí không cần biết cách viết đúng chính tả của các từ ngữ này. Tôi đổ lỗi cho Google về việc tôi không biết cách đánh vần từ Albuqerque mặc dù tôi đã có nhiều chuyến đi đến đây.
Trước khi có Gmail, tôi siêng năng phân loại các bức thư điện tử của mình. Đây là cách duy nhất để tôi có thể tìm kiếm lại một thông tin nào đó khi tôi cần. Bây giờ khi tôi muốn tìm lại cái biên lai mua máy ảnh của mình, tôi chỉ việc gõ “Amazon Nikon” vào mục tìm kiếm của Gmail. Điều này cũng đúng cho các địa chỉ liên lạc. Số điện thoại và thông tin liên lạc của tôi nằm bên dưới hầu hết các email mà tôi gửi. Nếu ai đó cần những thông tin này, họ chỉ việc tìm lại bức thư mới nhất của tôi.
Khẩu hiệu của Gmail là “tìm kiếm, không phân loại”.
Bây giờ Google lại nói với chúng ta rằng để sử dụng sản phẩm mới của hãng này, chúng ta phải tự phân loại một cách thủ công từng người bạn của mình. Sự kì diệu của thuật toán nổi tiếng của Google đã không áp dụng được ở đây (tôi chắc chắn đây là một phần hệ quả của tai tiếng xâm phạm riêng tư từ trước đó gây ra bởi Buzz và StreetView).
Có nhiều cách để bạn bè được phân loại một cách tự động mà không phải lo lắng về sự xâm phạm riêng tư cá nhân. Google+ có thể áp dụng sự phân loại đối với một mối quan hệ đã được phân loại trong Gmail chẳng hạn. Hoặc Google có thể đưa ra những sự gợi ý dựa trên các tài khoản liên quan (trên Twitter hoặc Quora).
Vấn đề chưa được giải quyết của mạng xã hội
Google+ vẫn chưa giải quyết được vấn đề lớn nhất trong mạng xã hội: phân loại tín hiệu khỏi sự gây nhiễu. Twitter thậm chí còn không muốn thử giải quyết vấn đề này. Facebook thì có khá hơn một chút.
Việc thiếu những công cụ chất lượng để tách tín hiệu ra khỏi thông tin gây nhiễu đang hạn chế việc sáng tạo nội dung. Các mối quan hệ con người là rất đa chiều và phân loại thủ công ở cấp độ cá nhân là không đủ. Tôi tạo ra nội dung về rất nhiều chủ đề, bao gồm mạng xã hội, di động, các giao dịch hàng ngày, những chuyến du lịch, những cuốn sách tôi đọc và rất nhiều điều khác. Nhưng ví dụ như khi tôi đọc cuốn Onward, tôi chia sẻ ít hơn vì tôi không muốn làm nhiễu luồng thông tin của mọi người. Nếu tôi làm phiền mọi người nhiều, họ có một công cụ rất mạnh mẽ để khắc phục: đó là hủy đăng ký hoàn toàn. Vì vậy tôi phải hạn chế những bài đăng của tôi, chỉ đăng những bài thật chất lượng.
Một người mà tôi theo (follow) trên Twitter thường xuyên có rất nhiều bài đăng. Tôi quan tâm đến những nội dung ông ta viết về kinh doanh, công nghệ và hàng không. Nhưng tôi không hề quan tâm đến những mẩu tin về Chicago của ông ta. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa thể tìm thấy một công cụ tự động giúp tôi bỏ qua những tin đó.
Tách tín hiệu ra khỏi thông tin nhiễu và xếp hạng những mẩu thông tin vẫn là một vấn đề lớn trong xưởng sản xuất của chàng khổng lồ Google. Theo tôi, Quora là công ty duy nhất đã giải quyết được khá tốt một phần của vấn đề này bằng cách khuếch đại tín hiệu.
Vậy Google+ đã giải quyết được vấn đề gì?
Quy tắc đầu tiên của tôi về thiết kế sản phẩm là: con người vốn lười biếng, vô ích và ích kỷ. Google+ đã thất bại trong bài kiểm tra đầu tiên này.
Google+ là một sản phẩm đầy uy quyền và tham vọng. Nếu nó được đưa ra 3 hoặc 4 năm về trước, tôi sẽ là một fan hâm mộ lớn của nó. Có những tính năng của Google+ mà tôi thực sự thích như là trình xem ảnh (photo viewer) và video chat (Hangouts).
Nhưng những điều này là chưa đủ. Trong mạng xã hội, Google chỉ đang ở vị trí tương đương như những người chơi khác trong không gian tìm kiếm (Search space). Cũng có những yếu tố về hiệu ứng thương hiệu trong cuộc chơi này. Để đạt được thành công, nó không được nhỉnh hơn mà phải thật sự tốt hơn.
Một người bạn hỏi tôi rằng vậy Google+ đã giải quyết được vấn đề gì. Tôi chỉ có thể trả lời rằng đó là việc Google đã không mua Twitter cách đây 3 năm.
Theo Daotaoseo.vn
Tham khảo thêm về Google+ tại bài viết hướng dẫn sử dụng Google+

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét